Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

HRW: Campuchia coi người tỵ nạn là ‘đồng tiền đổi chác’


(Ảnh tư liệu) - Người Thượng Việt Nam lên xe buýt sau khi đến sân bay quốc tế Phnom Penh, 28/7/2004.
(Ảnh tư liệu) - Người Thượng Việt Nam lên xe buýt sau khi đến sân bay quốc tế Phnom Penh, 28/7/2004.
Tổ chức Human Rights Watch nói rằng chính phủ Campuchia coi người tỵ nạn như những đồng tiền giao dịch trong quan hệ đối ngoại của nước này, liên quan đến vụ trục xuất 40 người Thượng Việt Nam xin tỵ nạn ở Campuchia.
Trong bài bình luận đăng trên trang tin The Diplomat, ông Bill Frelick, giám đốc chương trình quyền người tỵ nạn của Human Rights Watch, cáo buộc Campuchia vị phạm luật người tỵ nạn quốc tế bằng việc trả những người Thượng về Việt Nam mà không lắng nghe thỉnh nguyện của họ xin được bảo vệ,
Theo lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia, vì Campuchia có lập trường “trung lập” nên việc nhận người tỵ nạn là “trái với hiến pháp của Campuchia."
Tháng trước, Campuchia buộc phải trả về Việt Nam hơn 40 người Thượng tỵ nạn, các thành viên của một sắc dân thiểu số bị đàn áp tại Việt Nam, mà không có một buổi điều trần về yêu cầu của mình để bảo vệ, theo Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền tại Campuchia.
Tuy nhiên ông Frelick gọi việc cấm nhận người tỵ nạn này là “mang tính chọn lọc,” vì Campuchia đã xúc tiến một thỏa thuận 35 triệu đôla với Australia để chứa những người tỵ nạn mà Australia đã chuyển tới Nauru.
Ông Frelick nói chính phủ Campuchia lại một lần nữa cho thấy động cơ kém nhân đạo đối với người tỵ nạn, mà xem họ là những “đồng tiền giao dịch trong quan hệ đối ngoại.”

Nguồn: HRW, The Diplomat

LHQ: Chính sách về người tị nạn của Australia là 'vô nhân đạo'

Người tị nạn ngăn cản một người toan nhảy xuống từ mái nhà Trung tâm tạm giam Villawood ở Sydney, trong cuộc biểu tình vì lo sợ bị trả về nước.
Người tị nạn ngăn cản một người toan nhảy xuống từ mái nhà Trung tâm tạm giam Villawood ở Sydney, trong cuộc biểu tình vì lo sợ bị trả về nước.
Phil Mercer
Một bản phúc trình của Liên hiệp quốc cho biết chính sách về người tị nạn của Australia vi phạm các công ước quốc tế chống nạn tra tấn. Báo cáo viên đặc biệt Liên hiệp quốc chỉ trích gay gắt trung tâm di trú do Australia điều hành tại Papua New Guinea, nơi một người bị giam giữ tại đây bị giết vào năm ngoái. Thông tín viên đài VOA Phil Mercer tường trình từ Sydney.
Chính sách về người tị nạn của Australia đã được ông Juan Mendez, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tra tấn, nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Phúc trình của ông chỉ trích Canberra về việc giam giữ trẻ em và không ngăn được “bạo động và căng thẳng leo thang” tại trung tâm tạm giam trên đảo Manus của Papua New Guinea.
Ông Mendez kết luận rằng quyền của những người xin tị nạn đã bị vi phạm vì sự đối xử mà ông mô tả là “tàn bạo, vô nhân đạo và làm mất phẩm giá.”
Ông Daniel Webb, thuộc Trung tâm Luật Nhân quyền, nói phúc trình làm Australia xấu hổ.
“Rõ ràng là những việc chúng ta đang làm lúc này là làm hại những người đàn ông, những người phụ nữ và những em bé tìm kiếm sự bảo vệ của chúng ta. Việc này cũng làm tổn hại đến tiếng tăm quốc tế mà chúng ta phải khó khăn mới đạt được là một quốc gia tử tế và tôn trọng nhân quyền.”
Ông Juan Mendez, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tra tấn.Ông Juan Mendez, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tra tấn.
Phúc trình Liên hiệp quốc cũng chỉ trích chính sách hàng hải của Australia cho phép những người xin tị nạn bị “giam giữ tùy tiện trên biển, không được tiếp xúc với luật sư.”
Các giới chức di trú Australia bác bỏ ý kiến cho rằng lập trường của chính phủ nước này vi phạm các công ước quốc tế, và họ nhấn mạnh đến việc những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Australia đã được cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau.
Ngày hôm nay, khi được hỏi về phúc trình của Liên hiệp quốc, Thủ tướng Tony Abbott bác bỏ phúc trình này. Ông nói “Australia chán ngấy vì sự thuyết giảng của Liên hiệp quốc.” Ông nói thêm chính sách của chính phủ đã làm nản lòng những người tìm cách thực hiện các cuộc hành trình nguy hiểm bằng đường biển, khiến cho số tử vong ít hơn. Ông nói chính sách này quả thực là có tính chất nhân đạo nhiều hơn so với chính sách của chính phủ trước mà ông cho là đã khuyến khích những kẻ chuyển lậu người.
Những người đến Australia bằng đường biển bất hợp pháp được chuyển đến hai trung tâm do Australia bảo trợ ở Nam Thái Bình Dương để thanh lọc.Những người đến Australia bằng đường biển bất hợp pháp được chuyển đến hai trung tâm do Australia bảo trợ ở Nam Thái Bình Dương để thanh lọc.
Chính sách tự động giam giữ tất cả những người xin tị nạn, trong đó nhiều người đến từ các nước như Iran, Afghanistan, Pakistan và Sri Lanka, đã được Australia áp dụng từ những năm 1990. Chính sách này được sự ủng hộ của nhiều người của cả hai đảng vì họ cho rằng nhiều người xin tị nạn trên thực tế là những di dân kinh tế. Các vị bộ trưởng nói rằng những chính sách nghiêm nhặt được đa số cử tri ủng hộ. Chính phủ bảo thủ hiện thời được bầu lên với số phiếu áp đảo vào năm 2013 sau khi hứa có những hành động mạnh mẽ hơn để giảm bớt làn sóng thuyền nhân đến Australia một cách bất hợp pháp.
Những người đến Australia bằng đường biển bất hợp pháp được chuyển đến hai trung tâm do Australia bảo trợ ở Nam Thái Bình Dương để thanh lọc. Một trung tâm tại đảo Manus và trung tâm kia tại đảo quốc tí hon Nauru.
Những người bị giam giữ có thể được xem như là người tị nạn đích thực cũng không được dành cho cơ hội định cư tại Australia, theo chính sách của chính phủ. Chính sách này được áp dụng nhằm làm nản lòng những thuyền nhân để họ không thực hiện những chuyến hải hành đầy nguy hiểm.
Mỗi năm Canberra cấp khoảng 14.000 visa tái định cư, dựa theo các hiệp ước quốc tế.

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Việt Nam từ chối cho hồi hương phạm nhân

Việt Nam từ chối cho hồi hương phạm nhân bị Mỹ trục xuất

Tin liên hệ

Nghe Việt Nam mở đường dây nóng bảo vệ công dân ở nước ngoài

Việt Nam khai trương đường dây nóng hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài giữa lúc chỉ trích gia tăng về công tác bảo vệ người Việt ở nước ngoài của Hà Nội
Việt Nam là 1 trong số 23 quốc gia thường từ chối tiếp nhận các phạm nhân gốc Việt bị Mỹ trục xuất hoặc trì hoãn cấp giấy tờ cho những người này hồi hương.
Kênh truyền hình Kiro 7 dẫn nguồn tin từ Cục Thực thi Luật Nhập cư và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) cho biết Việt Nam, Campuchia, và Somalia là 3 nước ‘ngoan cố’ nhất theo danh sách liệt kê.

Trung bình, tiến trình làm thủ tục cho phạm nhân hồi hương của Somali thường mất tới gần 1 năm và Việt Nam và Campuchia thường kéo dài hơn 7 tháng.
Trong khi đó, theo một phán quyết từ năm 2001, nhà chức trách Mỹ chỉ có thể cầm giữ những phạm nhân có lệnh bị trục xuất tối đa là thêm 6 tháng nữa sau khi họ mãn hạn tù để làm thủ tục trả về nguyên quán, quá hạn này, họ phải được phóng thích.
Tại 3 tiểu bang Washington, Oregon, và Alaska hiện có tổng cộng 870 phạm nhân bị kết án có lệnh bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ.
Việt Nam cho rằng thỏa thuận hiện hành với Hoa Kỳ không bắt buộc chính phủ Hà Nội phải nhận lại những người ra khỏi nước trước năm 1995, thời mốc Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước CHXHCN Việt Nam.
Những tội phạm bị lệnh trục xuất ra khỏi nước Mỹ thường là những người phạm tội sát nhân.
Nguồn: KiroTV.com, ICE


Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Campuchia trục xuất 1000 người Việt


Campuchia trục xuất 1000 người Việt


Campuchia đã trục xuất 1.246 người nước ngoài từ 29 nước kể từ khi thực hiện một cuộc điều tra dân số trên toàn quốc bắt đầu hồi tháng 8 năm ngoái.
Bộ Nội vụ Campuchia cho biết phần lớn những người bị trục xuất là công dân Việt Nam, 1001 người, kế đến là người Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một giới chức của Bộ Nội vụ Campuchia, Thiếu tướng Uk Heisela, cho biết hơn 700 người Việt ở Phnom Penh đã bị bắt và bị trục xuất về nước. Ông cũng nói thêm rằng hầu hết những người Việt cư trú bất hợp pháp khác tập trung ở tỉnh Svay Rieng.

Được biết công dân Việt Nam là những người thường bị trục xuất nhất, nhưng Campuchia nói rằng tất cả những người nước ngoài nào không có giấy tờ cần phải có đều sẽ bị trục xuất, bất kể đã sống bao lâu trong nước.
Nguồn: VOA, Cambodia Daily, Thanh Niên